Sunday, July 13, 2014

Những khó khăn người nước ngoài gặp phải khi học Tiếng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh

Tôi viết bài này để chia sẻ kinh nghiệm về việc học tiếng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh (và cũng để tập viết bài bằng tiếng Việt). Nếu bạn có ý kiến về nội dung của bài này thì xin chia sẻ ở comment section ở dưới. Nếu bạn thấy lỗi chính tả hay nghĩ tôi có thể viết gì đó hay hơn thì xin gửi message riêng cho tôi. Tôi đã sửa bài này với cô giáo hai lần trước khi post trên đây, hy vọng không có lỗi :)

Cảm ơn các bạn!

-------------------

Tôi học tiếng Việt hai năm ở đại học Washington (Mỹ), ba tháng ở Hà Nội, và bốn tháng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Dựa vào những kinh nghiệm học tiếng Việt ở ba nơi này, tôi nhận ra là người nước ngoài có thể gặp phải những khó khăn tôi đã gặp khi học tiếng Việt ở TpHCM so với ở những thành phố Việt Nam khác hay ở nước ngoài. Trong bài ý kiến này tôi xin giải thích về ba khó khăn chính của việc học tiếng Việt ở TpHCM: Giọng miền Nam có một số từ nói nhưng không viết, TpHCM có nhiều người đến từ những miền khác nhau và có giọng nói khác nhau, và TpHCM có nhiều người Việt cứ nhất định nói tiếng Anh với người nước ngoài.

Trước khi tiếp tục, tôi muốn nói rõ là tôi sẽ không và không muốn so sánh những giọng khác nhau. Mục đích của bài này là biết rõ hơn về những khó khăn người nước ngoài gặp phải khi học tiếng Việt ở TpHCM, một thành phố có rất nhiều người nước ngoài và có nhiều trường dạy tiếng Việt cho họ, chứ không phải là xét giọng nào là đúng nhất hay chuẩn nhất.

Đầu tiên, người nước ngoài phải phân biệt việc nói và việc viết khi học tiếng Việt bằng giọng miền Nam. Sự khác biệt giữa hai hoạt động này được thực hiện bằng hai phương pháp: Thứ nhất là “từ,” và thứ hai là “chữ.” Về mặt “từ,” giọng miền Nam có một số từ mà người ta nói nhưng không bao giờ viết trong báo, bài học, v.v., chẳng hạn như: ảnh (anh ấy), tui (tôi), và hổng (không). Nếu người nước ngoài muốn nói chính xác hơn thì họ phải cố gắng nhớ dùng từ nào để viết và từ nào để nói. Về mặt “chữ,” giọng miền Nam có thói quen bỏ sót nguyên âm và thay đổi phụ âm ở cuối từ khi nói. Khi người miền Nam nói một từ có hai hoặc ba nguyên âm liên tục, thì người ta thường bỏ sót không nói nguyên âm thứ hai. Ví dụ, “chuối” là “chúi” và “trường” là “trừng.” Hơn nữa, người miền Nam thỉnh thoảng thay đổi một số phụ âm ở cuối từ, đặc biệt là chữ “t” và “n.” Chữ “t” là “c,” nên “việt” thành “việc.” Chữ “n” là “ng,” nên “miền” thành “miềng.” Nếu chúng ta theo thói quen bỏ sót nguyên âm thứ hai tôi mới nói ở trên, thì “việt” thành “vịc,” và “miền” thành “mìng.”

Người nước ngoài mà học từ “miền” trong lớp chắc hẳn không hiểu khi người ta nói “mìng.” Thảo nào người nước ngoài nghĩ là học tiếng Việt khó lắm!

Thứ hai có liên quan đến thứ nhất, TpHCM có nhiều người đến từ những miền khác nhau, và mỗi miền có một giọng nói khác. Giọng miền Bắc nói sáu dấu rõ hơn những miền khác, nhưng chữ ‘d,’ ‘gi,’ và ‘r’ đều nghe giống nhau, tương tự như ‘tr’ và ‘ch’, và ‘x’ và ‘s.’ Giọng miền Trung thường nghe “nặng” hơn những giọng khác. Nói một cách khác, dường như người miền Trung thay thế sáu dấu với dấu nặng. Giọng miền Tây hơi khó nghe vì người miền Tây thường luyến âm và không nói rõ. Giọng miền Bắc và miền Trung đều có một số từ mà những miền khác không dùng. Vì tôi nói tiếng Việt bằng giọng miền Bắc, nên những bạn người miền Nam cười khi tôi gọi “umbrella” là “ô.” Người miền Nam nói “dù.”

Trong trường hợp một người nước ngoài đến miền Nam để học tiếng Việt và họ học bằng giọng miền Nam, người ấy sẽ cảm thấy nản lòng và thất vọng khi nói chuyện với người Việt của một trong ba miền khác. Một mặt thì có dân vãng lai của những miền và tỉnh khác vào TpHCM là tốt vì người nước ngoài có cơ hội biết nhiều hơn về Việt Nam từ những chuyện và kinh nghiệm của họ. Mặt khác thì tập nói tiếng Việt với những người của miền khác khó hơn chỉ tập nói với người miền Nam. Có lẽ chính vì vậy mà một số người nước ngoài chỉ học tiếng Việt ít thời gian và không muốn tiếp tục nữa.

Thứ ba là TpHCM có rất nhiều người Việt cứ nhất định nói tiếng Anh khi gặp người nước ngoài. Tôi có hai trường hợp khi người Việt tôi chưa quen chào hỏi bằng tiếng Anh, tôi trả lời bằng tiếng Việt, và họ hỏi “why don’t you speak to me in English?” Trong hai trường hợp này, hai người Việt ấy có vẻ bực mình vì tôi không để họ tập nói tiếng Anh với tôi, như thể tôi là gia sư miễn phí của họ vì tôi là người nước ngoài. Tôi giải thích là tôi sống ở Việt Nam để tiến bộ khả năng tiếng Việt của tôi, cho nên tôi sẽ nói tiếng Việt với bất cứ người Việt nào trong thời gian ở Việt Nam. Tôi cũng gặp phải vấn đề này khi tôi ở quán cafe hay hiệu ăn. Tôi xin hoá đơn bằng tiếng Việt, và người phục vụ trả lời bằng tiếng Anh, dù tôi vừa dùng tiếng Việt đúng trước đó. Hiện nay có nhiều người Việt nói tiếng Anh giỏi là một điều tuyệt vời nhưng cũng có nghĩa là việc tập nói tiếng Việt ngoài lớp hơi khó cho người nước ngoài, đặc biệt trong lúc người Việt chỉ muốn nói tiếng Anh thôi.

Tôi đã gặp một số người nước ngoài khác cũng kêu ca về vấn đề này. Họ cũng không thích khi người Việt cứ nhất định nói tiếng Anh khi họ nói tiếng Việt. Tôi khuyên những người nước ngoài ấy là họ nên tiếp tục nói tiếng Việt dù người Việt trả lời bằng tiếng Anh. Nếu bạn hỏi “bao nhiêu tiền” và người phục vụ trả lời “one-hundred thousand Vietnam Dong,” thì người Việt ấy hiểu tiếng Việt của bạn, và bạn dùng tiếng Việt đúng. Khi nói chuyện thử với người Việt, người nước ngoài có hai cơ hội: tập nói và tập nghe. Nếu người Việt nói tiếng Anh, thì ít nhất người nước ngoài ấy vẫn có thể tập nói được. Tập một trong hai là đủ. Tuy nhiên, nếu người nước ngoài cảm thấy thất vọng và không muốn cố gắng tập nói tiếng Việt nữa vì họ lo là người Việt sẽ trả lời bằng tiếng Anh, thì người ấy không thể tiến bộ khả năng tiếng Việt được.

Tóm lại, người nước ngoài học tiếng Việt ở TpHCM sẽ gặp ba trong nhiều khó khăn: Giọng miền Nam có một số từ nói nhưng không viết, TpHCM có nhiều người đến từ những miền khác nhau và có giọng nói khác nhau, và TpHCM có nhiều người Việt cứ nhất định nói tiếng Anh với người nước ngoài. Các trường có lớp tiếng Việt, các giáo viên dạy tiếng Việt, và người nước ngoài có ý định học tiếng Việt ở TpHCM có thể dùng những ý kiến này để suy nghĩ về việc làm thế nào để việc học và dạy tiếng Việt được dễ hơn.

10 comments:

  1. tôi rất thích bài viết của bạn :) , bài viết rất sắc sảo , nó sẽ rất bổ ích cho những người muốn học tiếng việt ; nhất là phần người Việt thích nói tiếng Anh với người nước ngoài mặc dù họ nói bằng tiếng Việt , tôi sẽ rút kinh nghiệm về điều đó và thay vì hỏi "why don’t you speak to me in English?” tôi sẽ hỏi " Can you speak Vietnammese ? trước khi bắt đầu một câu chuyện với một người nước ngoài :). cám ơn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi đồng tình với nhận định của bạn, mình là người Việt Nam thì phải tôn trọng ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta đúng không Duyen Pham ! Khi gặp người nước ngoài tôi vẫn sẽ nói bằng tiếng Việt, vì mình đang ở trên đất nước của mình, một mặt để người nước ngoài trau dồi kỹ năng nghe và nói tiếng Việt tốt hơn !

      Delete
    2. Cảm ơn hai bạn rất nhiều đọc bài này và dưa ra ý kiến. Tôi cũng hy vọng hai bạn sẽ có cơ hội nói chuyện với những người nước ngoài đang học tiếng Việt. Trong lúc tôi đã sống ở TpHCM, tôi gặp những người nước ngoài khác cũng rất thích học tiếng Việt và muốn hiểu văn hoá và xã hội Việt Nam sâu hơn. Nếu họ có cơ hội gặp và nói tiếng Viết với những người VN mà tôn trọng ngôn ngữ mẹ như hai bạn thì chắc chắn họ sẽ thích sống ở VN nhiều hơn. Khó mà tin được người nước ngoài muốn đầu tư thời gian để biết nói tiếng Việt. Tuy nhiên, thật ra có nhiều. Có nhiều người nước ngoài tôn trọng văn hoá VN và người VN.

      Delete
  2. Hồi tôi còn sống trong nước, gặp được một bạn nước ngoài nào đang học tiếng Việt thì tôi rất vui, thấy cảm động và biết ơn họ nữa là khác, và nếu có cơ hội, tôi sẽ nhiệt tình giúp họ giỏi tiếng Việt thêm nữa bằng hết khả năng tôi. Có một người nước ngoài cố gắng học tiếng dân tộc mình là một điều thật hân hạnh, sao lại từ chối không giúp đỡ họ được nhỉ?

    ReplyDelete
  3. Hi hi, tưởng tượng một người dân Sài Gòn nói:
    "Ảnh nói cái gì đó mà tui hổng hỉu"
    (Anh ấy nói cái gì đó mà tôi không hiểu),
    thì người nước ngoài đang học tiếng Việt chắc sẽ ngẩn hết cả người ra, không hiểu mình vừa nghe gì :)

    ReplyDelete
  4. học tiếng việt là việc khó khăn với người nước ngoài, mình cũng đã từng dạy họ nên biết khá rõ
    Cám ơn bạn đã chia sẻ
    ..............................
    Trần Lai
    Quản Lý
    Fanpage: https://www.facebook.com/trungtamgiasuminhtri
    Click nếu bạn quan tâm: trung tâm gia sư chất lượng cao uy tín nhất tại tphcm hoặc trung tam gia su chat luong cao uy tin nhat tai tphcm

    ReplyDelete
  5. học tiếng việt là việc khó khăn với người nước ngoài, mình cũng đã từng dạy họ nên biết khá rõ
    Cám ơn bạn đã chia sẻ
    ..............................
    Trần Lai
    Quản Lý
    Fanpage: https://www.facebook.com/trungtamgiasuminhtri
    Click nếu bạn quan tâm: trung tâm gia sư chất lượng cao uy tín nhất tại tphcm hoặc trung tam gia su chat luong cao uy tin nhat tai tphcm

    ReplyDelete
  6. là người Việt Nam tôi rất tự hào vì dân tộc mình có 1 ngôn ngữ riêng mà không phải sử dụng ngôn ngữ của nước khác, ít ra về điểm này mình cũng hơn được Mĩ một cường quốc nhưng vẫn phải sử dụng tiếng Anh. Tiếng Việt cũng có nhiều sáng tạo như thêm các chữ ă â ô ơ ư đ ê và các dấu thanh nữa

    ReplyDelete
  7. bài viết của bạn phân tích rất kỹ, và gần như đầy đủ những khó khăn của một người nước ngoài khi học tiếng Việt ở miền Nam. Cảm ơn bạn

    ReplyDelete
  8. Bài viết có giá trị, cám ơn bạn. Hãy viết những gì bạn nghĩ đó là học.
    Tôi rất khó chịu khi nhiều người dạy Tiếng Việt lại sử dụng tiếng Anh để dẫn giải.
    Tôi đã nêu ý kiến, tại sao bạn không dùng Tiếng Việt để giải thích cho học viện hiểu học theo tư duy nắm bắt của họ?
    Họ đã trả lời: Đó là qui định dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài phải dùng tiếng Anh giải thích khi học viên không hiểu hay nêu câu hỏi.
    Thật là "quái đản"

    ReplyDelete