Đó là việc học và nói tiếng Việt hàng ngày là một hoạt động thử thách trí não.
Để giải thích về điều này, tôi muốn miêu tả một cảnh trong một tập của chương trình truyền hình mà tôi thích nhất. Tôi sẽ không nói tên hay chi tiết của chương trình này trong trường hợp các bạn muốn xem một mình.
Nhân vật chính (thám tử) cùng hai nhân vật phụ (bác sĩ và cảnh sát) đang đứng trước một bức tranh trong một viện bảo tàng nghệ thuật. Kẻ thù của thám tử gọi cho anh ta để cho biết là anh ta có 10 giây để tìm ra lý do tại sao bức tranh này là giả mạo. Nếu không được thì kẻ thù sẽ giết đứa trẻ mà kẻ thù đang giữ làm con tin. Bác sĩ và cảnh sát bắt đầu hoang mang và năn nỉ thám tử xử lý vấn đề để cứu đứa trẻ ấy.
10...9...8... giây trôi qua và áp lực của mọi người tăng lên.
Thám tử nhắm mắt để tập trung. Trong hai, ba giây này anh ta phân tích một cách nhanh chóng tất cả đầu mối được phát hiện trong suốt cuộc điều tra.
5...4...3... bất ngờ thám tử mở mắt, xem lại bức tranh, và biết ngay chi tiết nào trong bức tranh là giả mạo. Còn ba giây nữa, anh ta lấy di động từ tay bác sĩ, mỉm cười, và giải thích về chi tiết ấy một cách tự tin. Thám tử đã đoán đúng, và kẻ thù thả con tin.
Dù không phải là thám tử và đâu có con tin tôi phải cứu, nhưng tôi vẫn thấy việc nói chuyện bằng tiếng Việt hơi giống như việc xử lý vấn đề của thám tử như đã kể ở trên. Tôi phải suy nghĩ nhanh và phân tích đầu mối (trong trường hợp này thì nhớ những ngữ pháp và từ vựng tôi đã học rồi) để mua một thứ nào đó, để chỉ đường cho người chạy xe ôm hay lái taxi, thậm chí làm bài tập lớp tiếng Việt cho kịp giờ. Tất nhiên là tôi bị stress một chút, nhưng giống như tôi đã giải thích trong một bài viết trước đây, tôi cảm thấy rất hài lòng mỗi khi tôi dùng tiếng Việt đúng để làm một việc nào đó.
Học tiếng Việt là một hoạt động thử thách trí não. Hơn nữa, nói tiếng Việt với người bản ngữ kích thích trí não làm việc và ghi nhớ tốt hơn. Ở Việt Nam, mỗi lần ra khỏi nhà là tôi có cơ hội gặp được một chuyện nào đó mà tôi phải dùng tiếng Việt để giải quyết. Ở Mỹ, tôi chỉ cần nói tiếng Anh. Khi tôi ngồi trong quán cafe, nói chung mọi người đều đang tiếp xúc với nhau bằng tiếng Anh, và tôi hiểu hết mọi từ họ nói. Hơi chán!
Nghe và nói tiếng Việt không những vui mà còn làm tôi có nhiều cảm xúc khác nhau như hài lòng, bực mình, tự tin, áp lực, v.v. Sống trong tiếng Việt (hay ngoại ngữ khác nào đó) giống như một cuộc phiêu lưu không bao giờ kết thúc.
Khi tôi trả lời là tôi nhớ giao tiếp bằng tiếng Việt, thì điều đó có nghĩa là tôi nhớ đến thử thách trí não là sống trong tiếng Việt.
No comments:
Post a Comment